Làm giả bệnh án tâm thần: ‘Bác sĩ nào tham tiền sẽ vướng vòng lao lý’

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) bày tỏ quan điểm sau khi nắm được thông tin về vụ việc làm giả bệnh án tâm thần.

Công an Hà Nội vừa thông tin về việc điều tra vụ án làm giả bệnh án tâm thần để trốn tránh xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Căn cứ tài liệu thu thập, cơ quan chức năng phát hiện có 78 hồ sơ bệnh án tâm thần được làm giả. Trong số này có 41 hồ sơ mang tên các đối tượng giang hồ.
Cơ quan điều tra Công an Hà Nội đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 cán bộ, nhân viên tâm thần để tiếp tục điều tra.

Nhiều kẻ gây án thoát tội nhờ có bệnh án tâm thần giả. Ảnh minh họa.

Trả lời về sự việc trên, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết: “Tôi đã nghe thông tin xôn xao về việc này từ khá lâu, đã có văn bản chỉ đạo và trao đổi với Phó giám đốc Công an TP Hà Nội, thu thập đầy đủ bằng chứng. Bác sĩ nào tham tiền, không làm chủ được sẽ vướng vào vòng lao lý”.

Hành vi làm giả bệnh án tâm thần không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp mà còn bao che, tiếp tay cho những kẻ phạm tội lộng hành, trốn tránh pháp luật, Công an Hà Nội cho biết sẽ báo cáo Bộ Công an đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế có giải pháp kiểm tra, chấn chỉnh.

Theo TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc kiêm Trưởng khoa Lâm sàng Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, để giám định pháp y một người có bị mắc tâm thần hay không cần phải tuân thủ theo một quy trình rất nghiêm ngặt. Một hội đồng chuyên môn là người có năng lực chuyên môn cao của cả bệnh viện tham gia vào hội chẩn, khám lâm sàng để tăng chất lượng của chẩn đoán khi đưa ra cơ sở bệnh nhân có bị tâm thần hay không.
Nhiều trường hợp bệnh lý thể hiện rõ ràng chỉ cần khám và quan sát trong một ngày (tại phòng) có thể đưa ra quyết định bệnh nhân có bị tâm thần hay không. Cách giám định này chỉ dùng cho những trường hợp đơn giản. Tuy nhiên, trường hợp phức tạp cần phải điều trị nội trú trong một thời gian nhất định, sau đó hội đồng chuyên môn cùng đưa ra kết luận.
“Ở Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, bệnh nhân được kết luận tâm thần hay không cần phải điều trị nội trú ít nhất một tháng. Sau khi có bệnh án, kết quả điều trị, kết quả khám, kết quả xét nghiệm, hội đồng chuyên môn của bệnh viện sẽ họp hội chẩn và đưa ra kết luận. Quyết định bệnh nhân bị tâm thần hay không là kết quả của trí tuệ của tập thể không phải thăm khám chủ quan của cá nhân”, TS.BS Hồng Thu nói.

Tùy theo tình hình thực tế, tính chất từng vụ việc, các tổ chức pháp y tâm thần lựa chọn hình thức giám định cho phù hợp tại phòng hay nội trú để đưa ra quyết định.
Thông thường, các trường hợp liên quan tới các vụ án hình sự sẽ phải thực hiện giám định điều trị nội trú và làm theo một quy trình rất nghiêm túc. Trước hết, bệnh viện sẽ tiếp nhận hồ sơ trưng cầu hoặc yêu cầu giám định. Hồ sơ phải được gửi tới bệnh viện trước để nghiên cứu, xem xét, quyết định việc tiếp nhận trưng cầu hoặc yêu cầu giám định, phân công người thực hiện giám định. Sau khi hồ sơ được tiếp nhận, bệnh viện sẽ có văn bản trả lời tiếp nhận giám định hay từ chối (nếu từ chối sẽ có lý do).
Hội đồng chuyên môn của bệnh viện sẽ phải nghiên cứu hồ sơ của đối tượng tiếp đến đối tượng sẽ được theo dõi tại buồng bệnh (trường hợp cần thiết phải theo dõi bằng camera). Giám định viên tham gia giám định theo dõi sát, ghi chép tỷ mỉ, đầy đủ mọi diễn biến của đối tượng giám định vào bệnh án theo dõi giám định.

Đối tượng sẽ được thăm khám lâm sàng khám tâm thần, khám nội khoa và thần kinh, khám chuyên khoa khác nếu thấy cần thiết. Mọi diễn biến lâm sàng của bệnh nhân sẽ được ghi chép đầy đủ vào bệnh án.
Một số thăm khám cận lâm sàng cần phải thực hiện khi giám định như xét nghiệm máu, nước tiểu, X-quang tim, phổi thẳng, X-quang sọ não, điện não đồ, điện tâm đồ, các trắc nghiệm tâm lý… Trong trường hợp cần thiết đối tượng cần xét nghiệm CT.Scanner sọ não hoặc MRI sọ não…
Bác sĩ Thu cho biết sau khi theo dõi bệnh nhân một tháng cùng với những kết quả khám lâm sàng, cận lâm sàng hội đồng chuyên môn sẽ họp để cùng đưa ra quyết định. Quy trình giám định thực hiện rất chân thực và khách quan đều có bệnh án rõ ràng. Kết luận của Hội đồng chuyên môn sẽ phải chịu trách nhiệm của mình trước pháp luật.