Một số phần tử kích động đang lợi dụng vấn đề BOT

Bên cạnh phản ứng của một số người dân khu vực trạm Cai Lậy, một số phần tử kích động đang lợi dụng vấn đề này để tuyên truyền, lôi kéo người dân gây bất ổn an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Theo báo cáo một số vấn đề liên quan đến đầu tư và thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ của các dự án đầu tư BOT, các dự án giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT thời gian qua cơ bản phù hợp với chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Nó làm thay đổi diện mạo giao thông, đặc biệt là hệ thống cầu, đường có sự chuyển biến rõ rệt. Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước hạn chế và nguồn vốn ODA thu hẹp dần thì việc huy động thông qua hình thức hợp đồng BOT là hướng đi đúng đắn để phát triển giao thông nói riêng và kinh tế nói chung; người dân tham gia giao thông được hưởng dịch vụ tốt hơn…

Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được còn nhiều hạn chế, bất cập, đặc biệt là về chính sách phí.

Sau khi trạm thu phí Cai Lậy đi vào hoạt động, tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông diễn biến phức tạp.

BOT, trạm BOT, trạm thu phí, trạm BOT Cai Lậy, Cai Lậy
Trạm BOT Cai Lậy.

Một số phần tử kích động đang lợi dụng vấn đề này để tuyên truyền, lôi kéo người dân gây bất ổn an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Các tài xế khi qua trạm dùng tiền lẻ 200, 500, 1.000 đồng vo tròn, nhét vào chai nhựa, thấm nước để trả tiền nhằm gây khó khăn cho nhân viên thu phí. Cố tình kéo dài thời gian qua trạm gây ách tắc giao thông, để phản đối mức giá thu cao và vị trí đặt trạm thu giá dịch vụ.

So sánh với mức thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương, tuyến phí cao tốc này được đầu tư bằng tiền ngân sách, chi phí đầu tư không bao gồm phần lợi nhuận cho nhà đầu tư và lãi vay ngân hàng, đặc biệt là không khống chế thời gian hoàn vốn nên khác với các dự án đầu tư theo hình thức BOT (các tổ chức tín dụng yêu cầu khống chế thời gian hoàn vốn). Mức phí áp dụng là 1.000 đồng/km, với hình thức thu phí kín, đi bao nhiêu km thì tính tiền bấy nhiêu.

Để giải quyết sự bất cập này, ngày 16/8, Bộ GTVT đã họp với UBND tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư và các đơn vị liên quan và thống nhất giảm giá cho các phương tiện qua trạm còn 25-140 nghìn đồng tùy loại phương tiện. Vé tháng và vé quý thực hiện theo quy định trên cơ sở vé lượt.

Giảm 100% giá dịch vụ cho các phương tiện loại 1 và loại 2 của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú tại các xã Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú, và Phú An thuộc huyện Cai Lậy (không kinh doanh vận tải).

Giảm 50% giá dịch vụ cho các phương tiện còn lại tại 4 xã nói trên và xe buýt của hoạt động nội tỉnh Tiền Giang.

Trong thời gian tới, khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện hệ thống luật, văn bản quy phạm pháp luật về hình thức đầu tư theo hình thức PPP.

Qua kết quả thanh, kiểm tra, Bộ GTVT đã xác định cụ thể trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan, kiểm điểm trách nhiệm một cách nghiêm túc. Xử lý các bất cập từng bước một cách quyết liệt theo quy định pháp luật, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.

Theo Vietnamnet

SHARE