Nhiều đàn ông Việt dành thời gian cho smartphone hơn bên nửa kia

Theo báo cáo Chỉ số mối quan hệ Prudential 2017 (PRI), có đến 64% đàn ông Việt Nam thừa nhận họ dành nhiều thời gian để sử dụng điện thoại hơn bên “một nửa” của mình.

Bên cạnh nhiều tác dụng tích cực như kết nối với thế giới nhanh chóng, smartphone cũng mang đến không ít phiền toái nếu mỗi người không biết tiết chế thời gian sử dụng.

Có chồng nghiện game online, chị Minh Liên (quận 3) buồn bã chia sẻ: “Trước khi cưới, mình đã biết anh rất thích chơi game online trên máy tính, mỗi ngày tầm 1-2 tiếng. Sau khi cưới, nhất là từ khi nhiều game có phiên bản trên điện thoại, thì chồng mình dùng điện thoại ngày càng nhiều hơn. Đi làm về chưa kịp thay đồ là anh đã nằm ra ghế sofa chơi game. Mình nhờ giúp việc gì anh cũng làm lơ. Cuối tuần thay vì dành thời gian cho gia đình, anh lại chúi mũi vào cái điện thoại. Mình muốn tâm sự, anh cũng trả lời cho có. Đôi lúc mình cảm thấy tình cảm vợ chồng không còn mặn nồng như trước chỉ vì cái điện thoại…”.

Nhieu dan ong Viet danh thoi gian cho smartphone hon ben nua kia hinh anh 1
Smartphone đang trở thành một trong những nguyên nhân khiến con người xa cách.

Tự nhận mình là một người nghiện mạng xã hội, anh Nguyễn Hoàng An (quận 7) cho biết: “Tôi thường xuyên bị bà xã phàn nàn vì sử dụng điện thoại quá nhiều. Vì làm việc cả ngày nên chỉ khi nghỉ trưa hoặc đến tối về nhà tôi mới có thời gian lên mạng xem bạn bè hôm nay làm gì, có tin tức gì mới… Vợ tôi cho rằng việc này làm xao nhãng mối quan hệ vợ chồng và con cái, vì chúng tôi không còn thời gian cho những sinh hoạt chung của cả nhà”.

Câu chuyện của chị Liên và anh An chắc chắn không phải là hiếm gặp trong thời đại công nghệ hiện nay. Nhiều bà mẹ cũng cho biết, smartphone đang khiến bữa cơm gia đình không còn ý nghĩa như trước. Thay vì cùng nhau ăn uống, trò chuyện thì giờ đây mỗi thành viên lại chỉ chăm chăm vào chiếc điện thoại của mình. Người lớn thì đọc tin tức, kiểm tra e-mail. Con cái thì xem clip ca nhạc, lướt Facebook. Bữa cơm vì vậy trở nên “nhạt nhẽo”, không còn ấm áp như trước nữa.

Có lẽ chính vì điều này mà theo báo cáo PRI 2017 của Prudential, có đến 84% người Việt cho rằng họ cảm thấy bữa ăn sẽ trở nên vui vẻ, ấm áp hơn nếu các thành viên không sử dụng điện thoại.

Chúng ta đều biết rằng, bất kỳ mối quan hệ nào cũng cần xây dựng trên nền tảng thấu hiểu, tôn trọng và dành thời gian quan tâm chăm sóc cho nhau. Nếu tiếp tục để smartphone, mạng xã hội, công nghệ… chiếm hết thời gian, các mối quan hệ của chúng ta sẽ có nguy cơ tan vỡ rất lớn.

Nhieu dan ong Viet danh thoi gian cho smartphone hon ben nua kia hinh anh 2
Các mối quan hệ có nguy cơ tan vỡ rất lớn nếu chúng ta dành thời quá nhiều cho smartphone.

Để công nghệ không trở thành kẻ phá bĩnh trong các mối quan hệ, mỗi người nên có biện pháp cân bằng thời gian sử dụng điện thoại, mạng xã hội và dành thời gian để có những khoảnh khắc bên nhau. Các bậc cha mẹ cũng nên là tấm gương thực hiện tốt  điều này để con cái noi theo.

Theo chỉ số PRI, nhiều người Việt đã bắt đầu thực hiện “ngày không công nghệ” để cải thiện mối quan hệ. Tuy nhiên, những việc làm cần thiết như bữa cơm không smartphone, cuộc hẹn không Facebook, cuối tuần tạm gác điện thoại qua một bên, không đem các thiết bị số lên giường ngủ… cũng sẽ góp phần mang đến nhiều chuyển biến tích cực cho các mối quan hệ trong cuộc sống, cũng như chính sức khỏe của mỗi người.

Bên cạnh đó, việc lên mạng có mục đích sẽ giúp bạn hạn chế việc lãng phí thời gian vô ích. Một lời khuyên nữa là đừng đặt mình vào những cuộc tranh cãi vô bổ vì thông tin chưa được xác minh trên mạng xã hội. Nếu có mâu thuẫn hay hiểu lầm, bạn nên trao đổi trực tiếp với nhau thay vì chia sẻ trên mạng xã hội. Hãy để công nghệ, smartphone là phương tiện giúp chúng ta gắn kết với nhau nhiều hơn, chứ không phải điều ngăn cách mối quan hệ ngoài đời thực.

SHARE