Toàn bộ diễn biến sự việc người thừa kế tập đoàn Samsung bị bắt

Vụ việc bắt giữ “thái tử Lee” của Tập đoàn Samsung bắt đầu như thế nào? Nguyên nhân, diễn biến và cập nhật mới nhất về vụ việc sẽ được đề cập cụ thể trong bài viết dưới đây.8/11/2016: Các công tố viên Hàn Quốc đã tổ chức một cuộc bố ráp văn phòng của Samsung Electronics để điều tra những cáo buộc liên quan đến scandal của tổng thống Park Geun-hye. Theo Reuters, các công tố viên Hàn Quốc lục soát văn phòng của Samsung Electronics như một phần trong chiến dịch điều tra những bê bối chính trị liên quan đến Tổng thống Park Geun-hye và người bạn thân Choi Soon-sil.23/11/2016: Tờ Thời báo Phố Wall dẫn lời phát ngôn viên Samsung cho biết công tố viên đã khám xét trụ sở Samsung tại Gangnam, Seoul trong 1 giờ đồng hồ. Người phát ngôn của Quỹ hưu trí quốc gia cũng xác nhận trụ sở Jeonju và văn phòng Seoul bị bố ráp. Theo hãng tin Yonhap News, cuộc điều tra lần thứ hai này dường như tập trung vào vụ sát nhập năm ngoái giữa hai công ty con của Samsung là Cheil Industries và Samsung C&T. Văn phòng của ông Hong Wan Sun, Giám đốc đầu tư của Quỹ hưu trí Hàn Quốc từ năm 2013 đến đầu năm nay cũng nằm trong vụ khám xét hôm 23/11. Ông là người đề xướng quan trọng trong vụ sát nhập.6/12/2016: Chủ tịch tương lai của Samsung Jay Y. Lee trở thành tâm điểm của một cuộc điều trần công khai của nghị viện. Suốt 5 tiếng đồng hồ trong phiên điều trần ngày 6/12, các nhà lập pháp đã trực tiếp đưa ra nhiều câu hỏi cho ông Lee trong khi Chủ tịch tập đoàn Huyndai Chung Mong-koo thì không nhận được bất cứ một câu hỏi nào. Ông Lee, người giữ chức Phó Chủ tịch công ty Điện tử Samsung, cho biết ông chưa bao giờ yêu cầu được quyên góp để nhận lại những ưu tiên chính trị và bác bỏ những cáo buộc rằng ông nhận được bất cứ ủng hộ sai trái nào của chính phủ để đẩy nhanh quá trình sáp nhập hai đơn vị của công ty hồi năm ngoái. Tỷ phú họ Lee là 1 trong số 9 tài phiệt được mời đến phiên điều trần của Quốc hội hôm nay với mục đích lắng nghe lý do vì sao những công ty lớn nhất của đất nước lại bỏ ra tới 10 triệu USD cho một quỹ do Choi Soon-sil quản lý. Choi Soon-sil là người thân tín của Tổng thống và là tâm điểm của vụ bê bối khiến cả đất nước Hàn Quốc sục sôi từ cách đây vài tuần. Đây là lần đầu tiên, tất cả những người đứng đầu của các chaebol dạng gia đình trị, những người luôn luôn tránh xa dư luận, bị triệu tập đến cùng lúc để làm chứng trước Quốc hội.Năm 2015, 3 tháng sau khi Samsung hoàn tất vụ sáp nhập, Samsung ký giao dịch với Core Sports Interntional GmbH, một công ty tư vấn thể thao nhỏ có trụ sở tại Dillenburg, Đức, để đào tạo các vận động viên đua ngựa. Bản hợp đồng giữa Samsung và Core Sports (sau đổi tên thành Widec Sports) mà Thời báo Phố Wall có được chỉ ra Samsung đồng ý cung cấp 18 triệu USD để đào tạo vận động viên tham dự Thế Vận hội 2018 và Giải vô địch đua ngựa thế giới. Theo Park Sung Kwan, một luật sư tại Đức, công ty này thuộc sở hữu của bà Choi và con gái.Hợp đồng được ký bởi ông Park Sang Jin, Chủ tịch Samsung Electronics, người từng đứng đầu Liên đoàn đua ngựa Hàn Quốc, nơi con gái bà Choi là vận động viên.Trong phiên điều trần, ông Lee thừa nhận Samsung đã trả cho Widec 3,1 triệu USD nhưng cho rằng ông không biết về bà Choi hay con gái bà ta vào thời điểm đó. Samsung cũng mua một con ngựa cho con gái bà Choi với giá ước tính 1 tỷ won.Samsung đứng đầu danh sách các tập đoàn quyên góp cho hai tổ chức của bà Choi, tổng cộng 17 triệu USD. Ngoài ra, công tố viên còn đang điều tra các khoản thanh toán riêng rẽ khác cũng của Samsung cho các tổ chức khác do bà Choi và con gái Chung Yoo Ra sở hữu.12/1/2017: Người thừa kế thế hệ thứ ba của tập đoàn Samsung bị triệu tập thẩm vấn vì bị tình nghi đút lót, theo công tố viên Hàn Quốc. Thời báo Phố Wall đưa tin ông Lee Jae Yong, 48 tuổi, người thừa kế tập đoàn Samsung, đã đến văn phòng công tố viên đặc biệt sáng thứ Năm (12/1). Văn phòng công tố cũng kêu gọi các nhà lập pháp lập biên bản ông Lee vì cáo buộc nói dối trước tòa khi làm chứng vào tháng 12/2016 trong phiên điều trần vì bê bối tham nhũng. Các công tố viên đặc biệt có thể điều tra về tội danh khai man, theo ông Hong Jung Seok, người phát ngôn của các công tố.15/1/2017: Công tố viên đặc biệt của Hàn Quốc cho biết sẽ đánh giá tác động kinh tế nếu bắt Lee Jae Yong, người thừa kế tập đoàn Samsung, trong cuộc điều tra bê bối có liên quan đến Tổng thống Park Geun Hye. Văn phòng sẽ trì hoãn quyết định có bắt giữ ông Lee hay không đến ngày 16/1 do tính chất nghiêm trọng của vụ việc. Công tố viên đặc biệt từng nói sẽ ra quyết định vào ngày 15/1 nhưng theo người phát ngôn Lee Kyu Chul, các điều tra viên đang đánh giá mọi yếu tố, trong đó có cả ảnh hưởng đến kinh tế của hành động bắt giữ ông Lee.16/1/2017: Công tố viên Hàn Quốc cố gắng tìm kiếm một lệnh bắt giữ đối với Jay Y. Lee. “Chúng tôi tin Samsung đã có các yêu cầu bất hợp pháp trong quá trình thúc đẩy việc kế vị” – Lee Kyu-chul, người đại diện văn phòng công tố viên, cho biết. Lệnh bắt giữ sẽ cho phép công tố viên tiếp tục điều tra, trong khi Lee sẽ bị giam giữ. Lee cũng sớm bị chính thức truy tố trong thời gian tới.19/1/2017: Tòa án Quận trung tâm Seoul cho phép ông Lee Jae Yong trở về nhà sau khi công tố viên đặc biệt xin lệnh bắt ông này với tội danh hối lộ. Quyết định của tòa được xem như hành động giải vây cho tập đoàn Samsung. Dù vậy, ông Lee vẫn đang bị điều tra tội hối lộ, tham nhũng, khai man và hoàn toàn có khả năng bị bắt lại trong tương lai. Theo hãng thông tấn Reuters, người thừa kế Samsung rời Trung tâm tạm giam Seoul với một chiếc túi trắng trên tay và lên xe hơi mà không nói một câu nào với phóng viên. Cùng ngày, văn phòng công tố viên đặc biệt cho biết “vô cùng nuối tiếc” vì quyết định của tòa án. Công tố viên khẳng định sẽ tiếp tục điều tra bê bối liên quan đến Tổng thống Park.7/2/2017: Theo Reuters, Samsung đang tìm cách giải tán văn phòng chiến lược doanh nghiệp của mình sau khi cuộc điều tra truy tố đặc biệt kết thúc. Có khoảng 200 nhân viên ưu tú được “tự tay chọn lựa từ các chi nhánh” làm việc cho văn phòng, mà thực ra là làm việc cho gia đình Lee. Thông qua phương tiện này, gia đình ông Lee đã đưa ra những quyết định có ảnh hưởng đến toàn bộ Samsung. Các công tố viên đặc biệt điều tra vụ án tham nhũng của Tổng thống Park Geun-hye đã cho rằng người đứng đầu văn phòng chiến lược công ty, Choi Gee-sung, là một nghi phạm. Các nhân viên khác của trung tâm này cũng bị tình nghi. Được xem là “trung tâm đầu não” hoặc “tháp kiểm soát” của Samsung, văn phòng chiến lược của công ty được thành lập vào năm 2010, nhưng nó không phải là một thực thể pháp lý. Thay vào đó, các nhân viên của văn phòng cùng lúc làm việc cho các chi nhánh khác nhau của Samsung.14/2/2017: Văn phòng công tố một lần nữa gửi đơn xin bắt người thừa kế thứ ba của Samsung và một lãnh đạo khác là Chủ tịch Samsung Electronics Park Sang Jin vì hối lộ và các tội danh khác. Dù vậy, ông Park không bị bắt. Công tố viên cho biết đã thu thập thêm bằng chứng và gán cho ông Lee nhiều tội danh hơn trong yêu cầu bắt giam mới nhất.17/2/2017: Ông Lee Jae Yong, người thừa kế của tập đoàn Samsung, đã bị bắt vào sáng ngày thứ Sáu (17/2) vì vai trò của mình trong bê bối tham nhũng liên quan đến Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye. Đây thực sự là cú giáng mạnh xuống nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới. Ông Lee, 48 tuổi, Phó Chủ tịch Samsung Electronics, hiện bị giam tại nhà tù Seoul, cũng là nơi ông chờ đợi quyết định của tòa sau phiên điều trần kéo dài cả ngày thứ Năm. Quyết định của thẩm phán được đưa ra vào 5h30 sáng ngày 17/2 (theo giờ địa phương), hơn 10 tiếng sau khi ông Lee rời tòa.Cả Samsung và ông Lee đều bác bỏ tội trạng. Trong thông báo ngắn gọn sau khi ông Lee bị bắt, Samsung nói sẽ làm hết sức để bảo đảm sự thật được phơi bày trong quá trình tố tụng tương lai.Dù sự việc này chưa thể làm tổn hại đến hoạt động hàng ngày của các công ty thuộc tập đoàn, vốn đang được điều hành bởi các giám đốc chuyên nghiệp, các chuyên gia cho rằng nó sẽ ảnh hưởng đến các quyết định chiến lược của chaebol lớn nhất Hàn Quốc.Công tố viên tập trung điều tra vào quan hệ của Samsung với Tổng thống Park Geun Hye, người đã bị Quốc hội buộc tội và tước bỏ quyền hạn hồi tháng 12/2016 trong khi chờ Tòa án Hiến pháp quyết định có thay đổi việc luận tội hay không.Họ cáo buộc Samsung hối lộ tổng cộng 43 tỷ won (37,74 triệu USD) cho các tổ chức có liên kết với bà Choi Soon Sil, bạn thân Tổng thống, để được chính phủ ủng hộ thương vụ sáp nhập hai công ty con.Theo trang Reuters, nơi ở của Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong là một phòng giam rộng 6,56 m vuông với nhà vệ sinh nằm ở góc và giường ngủ là một tấm đệm trải trên sàn nhà. Theo nhà chức trách Hàn Quốc, ông Lee được giam giữ biệt lập nhằm tránh để nhà lãnh đạo Samsung thảo luận về vụ án với những người có liên quan. Bên cạnh đó, việc giam giữ riêng cũng nhằm đảm bảo an toàn cho ông Lee, người quan trọng của Tập đoàn Samsung danh tiếng. Dẫu vậy, ông Lee không được đối xử đặc biệt so với các tù nhân khác. Bữa ăn trong phòng giam của ông Lee, người sở hữu khối tài sản 6,2 tỷ USD, chỉ có giá 1,26 USD, bao gồm cơm và các món ăn phụ khác.Sau vụ việc này và bê bối Note 7 còn chưa tan, uy tín của Samsung bị rớt thảm hại, từ vị trí thứ 3 năm 2015 xuống vị trí thứ 49.Theo itcnews.vn